Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Mỗi Ngày Một Câu Cuyện Về Mẹ Maria

 

Ngày Mười Tám

Đức Mẹ làm gương sự nhẫn nhục chịu đau khổ

            Trên đời Đức Mẹ khổ cực hơn ai hết.  Giáo hội nhận Đức Mẹ là Nữ-vương các thánh Tử đạo, vì Người đã chịu nhiều khổ cực hơn mọi thánh Tử đạo.  Các thánh Tử đạo chịu đau khổ với một thời gian vắn vỏi, năm ba ngày, đôi ba tháng, một hai năm là cùng, còn Đức Mẹ chịu đau khổ suốt đời.

            Từ khi nghe lời tiên tri Simêong, Đức Mẹ những ngậm ngùi đau đớn liên lỉ.  Lúc nào hình ảnh tiều tụy của Con, với những bộ mặt độc ác, dữ tợn của quân lính cũng hiện diện trong óc Đức Mẹ.  Bóng cây Thánh giá trên đồi Calvê vẫn thấp thoáng trước mặt Đức Mẹ.  Cả đời Đức Mẹ là một giọt lệ không ngừng.

            Đau khổ của Đức Mẹ lại nhiều và sâu cay hơn đau khổ của các thánh Tử đạo đau khổ ngoài xác, nhưng Đức Mẹ đau khổ trong lòng.  Vết thương trong lòng bao giờ cũng nặng hơn ngoài xác,  Đức Mẹ không bị người ta hành hạ đánh đập, nhưng suy đến những hình khổ của Chúa Giêsu, Con Người, phải chịu thì lòng Đức Mẹ như bị một mũi gươm vô hình thâu qua.

            Đức Mẹ càng yêu Con mình thì lòng Người càng đau đớn.  Thánh Ansêlimô dạy: " Nếu không có ơn Trên nâng đỡ, Đức Mẹ sẽ chết vì đau khổ".  Đời của Đức Mẹ tuy tràn đầy đau khổ, nhưng Người vẫn sống vững vàng, sống kiên nhẫn điềm tĩnh khi nghe Sứ thần truyền đem Con trốn sang Ai-cập, hay khi lạc mất Con ba ngày.  Người vẫn nhẫn nhục đứng dưới Thánh giá trên núi thánh, mặc cho đôi hàng lệ tuôn rơi.

            Đối với Đức Mẹ, không có gì là tình cờ.  Mọi sự do Chúa định-đoạt, Người chỉ biết cúi đầu tuân theo, tự hiến thân cùng với Con làm của lễ hy sinh đền tội thiên hạ.

            Thánh Gióp dạy: Đời người thật vắn vỏi và là một cuộc vật lộn không ngừng với mọi khổ cực.  Ở đời này, ai thoát được gian nan khốn khó.  Chúa muốn làm vậy,  để ta biết thế gian chẳng phải là quê thật, chỉ là nơi đầy ải, nơi tạm trú mong về quê thật đời sau.  Chúa cho ta chịu sự khó, để người lành thêm công phúc, người có tội được dịp lập công.

            Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa còn phải đau khổ, lẽ nào ta thoát khỏi.   vậy khi gặp sự đau khổ như chết cha, mất mẹ, khi ốm đau bệnh tật, khi bị người đời hà hiếp khinh chê. . . ta chớ buông lời kêu trách.  Hãy bắt chước Đức Mẹ cam lòng chịu đựng.  Bao lâu đau khổ còn đè nặng trên vai, hãy noi gương Đức Mẹ đứng dưới Thánh giá lẳng lặng nhìn Con chết nhục cho đến giây phút cuối cùng.

            Lạy Mẹ rất thánh, Mẹ đã làm gương sự nhẫn nhục chịu khó.  Xin Mẹ thêm sức cho chúng con bao lâu còn ở dưới thế, bắt chước Mẹ vui lòng chịu mọi đau khổ để thêm công đáng Chúa thưởng trên thiên đàng.

Thánh Tích:

            Năm 1842, bên Pháp có một bà góa sang trọng chỉ có một con trai.  Chẳng may cậu ta bị thương hàn, được ít lâu thì chết.  Bà mẹ thương tiếc lăn khóc đêm ngày, quên ăn mất ngủ.

            Ngày lễ kính Đức Mẹ sầu bi, bà đi dự lễ, nghe giảng về những đau khổ của Đức Mẹ.  Nhắc đến cảnh tượng Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh giá, thì thầy cả hỏi giáo hữu: "Nào ai trong anh em đau khổ bằng Đức Mẹ? Dầu vậy Đức Mẹ vẫn một lòng chịu đau khổ không một lời than trách.  Anh em hãy noi gương Đức Mẹ, hoặc Chúa để anh em phải đau khổ hãy cùng Đức Mẹ đứng dưới thánh giá lẳng lặng nhìn Con, không một lời ca thán".  Nghe đến đấy, bà cảm động.  Quì trước tượng Đức Mẹ suy ngắm những đau khổ của Đức Mẹ.  Bà thấy trong lòng đầy an ủi, từ đấy bà bắt chước Đức Mẹ vui lòng chịu khổ đau không còn kêu khóc như trước nữa.